Ở một địa điểm tuyệt đẹp cách Hà Nội khoảng 40 phút lái xe, các KTS của Studio102 có cơ hội thực hiện một căn biệt thự mang phong cách Tuscan – vùng đất nổi tiếng của nước Ý với thiên nhiên và khí chất tuyệt vời.

Qua nghiên cứu cùng cảm hứng từ trải nghiệm của chủ nhà về vùng đất này: những hàng cây bách ý, từng chi tiết, từng viên ngói lợp, lớp sỏi rải đường…. Các KTS phát triển ý tưởng, vận dụng thiên nhiên bản địa, vật liệu địa phương để tạo nên một sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng đầy cảm hứng. Công trình mất 7 tháng thiết kế & thi công cùng lao động miệt mài của STUDIO1O2 và các đơn vị tư vấn thiết kế cảnh quan và nội thất.

Thông tin:

  • Dự án: Candy Villa
  • Phong cách: Tuscana (Ý)
  • Tổng thầu thiết kế & thi công: STUDIO1O2
  • Thiết kế kiến trúc: STUDIO1O2
  • Thiết kế nội thất: HATHA DESIGN
  • Thiết kế cảnh quan: MEIN GARTEN
  • Ảnh & video: WUYHOANG STUDIO
  • Thực hiện: Vương Đạo Hoàng, Phạm Anh Tuấn, Hà Trương, Nguyễn Hảo, Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Tuấn Anh, Lê Tuấn Hoàng, Đỗ Tú Phương, Phạm Minh Hằng, Mai Dung, Lê Văn Tuấn, Vương Đạo Đức, Trần Văn Đức.
  • Năm thiết kế: 2020
  • Năm hoàn thành: 2021
  • Địa điểm: Hoà Bình, Việt Nam

Ý tưởng cảnh quan:

Công trình được đặt trong khuôn viên hơn 3500 m2, sát mặt hồ nên ý đồ của các KTS là tạo nên một bố cục đóng mặt trước, mở ra phía hồ lớn. Hướng tiếp cận chính ngay sau khi đi qua cổng là sân trong của 2 khối nhà. Ý đồ này không chỉ tạo sân trước kết hợp đỗ xe thuận tiện cho người sử dụng mà còn khiến họ tò mò do chưa thể cảm nhận hết được vẻ đẹp của tổng thể công trình. Những lối tiếp cận sân vườn cảnh quan theo ý đồ của KTS thông qua hệ thống các hành lang, các đường dạo trong khuôn viên… giúp người dùng liên tục bất ngờ với các không gian còn lại như một trải nghiệm và khám phá thú vị …

Phần chi tiết sân vườn cũng được chú trọng, yếu tố bê tông được giảm thiểu nhằm hướng tới những giải pháp cảnh quan thân thiện môi trường thông qua sử dụng sỏi kết hợp một hệ lưới kỹ thuật chống sô , hàng trăm m2 sân sỏi giúp việc thoát nước trở nên cực kỳ đơn giản trên địa hình đất dốc, nước được ngấm trực tiếp xuống đất (hệ thống thu nước ngầm) mà không có bất cứ cản trở nào, điều này là một yếu tố điểm cộng xanh cho công trình.

Hệ thống đèn vườn được làm từ gỗ cũng nhấn mạnh tinh thần sinh thái của công trình theo những tiêu chuẩn hiện đại về phát triển bền vững.

Bố cục cây xanh khai thác phong cách Tuscan thông qua việc sử dụng các thân Tùng tháp như nhắc về loài cây Bách ý, cỏ đuôi chồn cũng được khéo léo cài với các loài cây bụi tạo hương như nguyệt quế, mộc hương và hương thảo. Với ý đồ bố cục cảnh quan biến đổi theo mùa, cây lớn trong khuôn viên cũng được đặt ở các điểm nhấn quan trọng, được chọn lựa bố cục ý đồ theo mùa thay lá đổi màu với các loài lộc vừng, phong hương kết hợp với những loài cây cho hoa. Đồng thời, những ý đồ chọn cây xanh cho từng không gian cụ thể giúp chuyển thể thành công ngôn ngữ tạo hình cảnh quan vùng Tuscany bằng việc khai thác các yếu tố thực vật bản địa. Giải pháp này, giúp người trải nghiệm vừa cảm thụ được thủ pháp tạo hình cảnh quan theo phong cách Tuscan nhưng vẫn cảm thấy thân thiện. Hơn hết, giải pháp này không chỉ khai thác tối ưu các yếu tố bản địa mà còn tạo lập những khu vườn phát triển bền vững và phù hợp với khí hậu địa phương.

 

Ý tưởng kiến trúc:

Các KTS khai thác tỷ lệ của công trình mang phong cách Tuscan nhưng lược bỏ chi tiết rườm rà để tạo ý đồ “hiện đại” cho căn biệt thự. Việc chú ý khai thác chất cảm của vật liệu ngói, ốp lát, sơn sần nhằm giữ được chất Tuscan nhưng đồng thời tạo được độ chi tiết cho công trình dẫu đã lược bớt nhiều chi tiết.

Các mặt đứng hướng Đông, Tây được xử lý bằng các hàng hiên với vòm cuốn nhằm giảm thiểu tác động của ánh nắng tới các phòng bên trong, vào hiệu ứng bóng đổ cho mặt đứng công trình.

Bề mặt sơn sần được nghiên cứu thêm phương pháp nén bằng bay khiến bề mặt sơn có thể ánh lên khi ánh sáng mặt trời rọi vào. Giải pháp thi công này vừa tạo ra độ xốp, độ cũ cho công trình nhưng cũng khiến nó thay đổi theo thời gian.

Mái ngói sử dụng ngói “phong cách Địa Trung Hải” [NDT2] nhằm nhấn mạnh vào chất Ý vốn được KTS tiết giảm đi thông qua lược bỏ các yếu tố trang trí của kiến trúc Tuscan, từ đó tạo ra sự cân bằng trong cảm thụ công trình.

Ý tưởng nội thất:

Sự khó khăn của công trình này khi làm nội thất là khi tiếp cận công trình ở cự ly gần, trải nghiệm của người dùng trong từng không gian vẫn cảm được yếu tố thời gian – điều vốn rất khó thực hiện cho những công trình mới xây như Candy Villa. [NDT3]

Nhưng thông qua khai thác chất cảm thô, mộc của sơn sần, của gỗ tự nhiên, đá tự nhiên kết hợp với granito mài thô, nhóm thiết kế đã đem được yếu tố thời gian vào từng không gian phòng ngủ, phòng khách và các không gian tiện ích khác của công trình.

Với phong cách nội thất pha trộn yếu tố Ý với phong cách miền quê châu u (farmhouse), kết hợp một chút sự tự do trong lựa chọn đồ nội thất, người thiết kế tạo nên một trải nghiệm nhẹ nhàng cho từng không gian.

Các yếu tố vật liệu gợi nhớ yếu tố bản địa như: gạch gốm nung, đá đen lát theo hình thức ngẫu nhiên, gỗ tự nhiên, sắt uốn, vải thô…được họ khéo léo khai thác để tạo ra chất cảm ấm áp phù hợp với một ngôi nhà cuối tuần nhưng lại đủ nét riêng cho công trình.

Kết luận

Tổng thể dự án đạt được sự thân thiện cần thiết cho một công trình nghỉ dưỡng, gợi được chất Tuscana nhẹ nhàng nhưng cũng đủ cá tính, hoà nhập với bối cảnh xung quanh và sinh thái bền vững.

Cùng với sự biến đổi của môi trường: theo ngày, theo mùa mà công trình có sự thay đổi liên tục với những hình ảnh luôn tươi mới theo thời gian. Cảm nhận trực tiếp của người dùng sẽ thay đổi cùng sự đổi thay của ánh sáng, gió và thiên nhiên trong ngoài công trình…thậm chí xúc giác của bước chân trên đường sỏi cũng sẽ nhắc nhở bạn về một miền thời gian cô đọng lại…nơi chất Ý chầm chậm tan cùng gió.